Sunday, May 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

21 tháng 3 2022

Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vào năm 2016

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vào năm 2016
Trung Quốc đã quân sự hoàn toàn ít nhất 3 trong số các đảo nhân tạo trên Biển Đông, bao gồm trang bị hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, thiết bị laser và gây nhiễu, cùng máy bay chiến đấu. Đây được xem là một động thái gây gia tăng căng thẳng tình hình, đe dọa đến tất cả quốc gia lân cận, hãng tin Associated Press (AP) dẫn tuyên bố từ một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ vào ngày 20/03.

Trả lời phỏng vấn của AP, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino nói rằng những hành động gây hấn này tương phản trắng trợn trước những tuyên bố trấn an của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đây rằng sẽ không biến các đảo nhân tạo ở vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông thành những căn cứ quân sự.

Theo Đô đốc John C. Aquilino thì những hành động này cho thấy Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự.

“Tôi nghĩ trong vòng 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ thời Thế chiến lần 2,” Đô đốc John C. Aquilino trả lời phỏng vấn của AP. “Họ cũng đã tăng cường năng lực và tiến trình vũ khí hóa này đang gây nên bất ổn trong khu vực.”

Hiện giới chức Trung Quốc chưa có bình luận nào về vấn đề này.

Đô đốc John C. Aquilino trả lời AP trên máy bay do thám của Hải quân Mỹ khi bay gần đến những căn cứ quân sự do phía Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Spratly, mà phía Việt Nam gọi là Trường Sa.

Trong suốt chuyến bay tuần tra, máy bay P-8A Poseidon của phía Mỹ đã liên tục nhận được lời cảnh báo từ Trung Quốc cảnh báo rằng đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình và yêu cầu rời khỏi khu vực này ngay lập tức.

“Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Spratly, cũng như khu vực hàng hải xung quanh. Hãy ra khỏi khu vực này ngay lập tức để tránh bị có đánh giá sai lầm,” là nội dung của một trong số các thông điệp qua radio mang ẩn ý đe dọa của Trung Quốc.

Một chiếc máy bay Boeing P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Một chiếc máy bay Boeing P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ
Thế nhưng máy bay thuộc Hải quân Mỹ đã bác bỏ những cảnh báo liên tiếp và tiếp tục thực hiện chuyến bay do thám, hai nhà báo của AP đã chứng kiến những khoảnh khắc căng thẳng.

“Đây là một máy bay thuộc Hải quân Mỹ có quyền miễn trừ quốc gia thực hiện các hoạt động quân sự hợp pháp vượt ra khỏi khuôn khổ không phận của một quốc gia ven biển nào,” một phi công Mỹ phản hồi với phía Trung Quốc.

“Luật pháp quốc tế đã đảm bảo việc thực thi những quyền này và tôi đang hoạt động với sự cân nhắc đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia,” phi công Mỹ nói.

Sĩ quan Joel Martinez, người đứng đầu đội bay P-8A Poseidon cho biết đã xảy ra vụ việc khi một máy bay của Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm một máy bay Mỹ tại vùng lãnh hải tranh chấp. Và khi đó phía Mỹ đã bình tĩnh yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy tắc an toàn hàng không, Sĩ quan Joel Martinez nói.

Khi máy bay P-8A Poseidon bay thấp ở độ cao 4.500 mét gần các rạn san hô do Trung Quốc chiếm giữ, theo hình ảnh trên màn hình thì dường như có một số thành phố nhỏ, với những tòa cao tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và những cấu trúc tròn màu trắng mà theo Đô đốc John C. Aquilino thì đây là những radar. Gần Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thì có hơn 40 tàu chưa rõ loại tàu gì, có thể thấy rõ ràng thấy đang neo đậu, hình ảnh do Army Times trích dẫn cho thấy.

Đô đốc John C. Aquilino nói rằng việc xây dựng các kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Subi (Subi Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross) dường như đã được hoàn tất, nhưng vẫn có thể thấy là Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các cấu trúc quân sự ở những khu vực khác.

“Chức năng của những đảo này là nhằm giúp Trung Quốc mở rộng năng lực tấn công ra khỏi vùng lục địa,” Đô đốc John C. Aquilino nói. “Họ có thể sử dụng máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cộng thêm năng lực tấn công từ các hệ thống tên lửa.”

‘Trong tầm ngắm’

Hải quân Mỹ trong một chuyến bay do thám bằng máy bay P-8A Poseidon trong một cuộc diễn tập hàng hải giữa Mỹ và ASEAN vào năm 2019

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Hải quân Mỹ trong một chuyến bay do thám bằng máy bay P-8A Poseidon trong một cuộc diễn tập hàng hải giữa Mỹ và ASEAN vào năm 2019
Đô đốc John C. Aquilino cho biết thêm bất kỳ máy bay quân sự và dân dụng nào bay qua vùng lãnh hải tranh chấp đều dễ dàng nằm trong tầm ngắm của hệ thống tên lửa của Trung Quốc nằm trên các đảo.

“Vì thế đây là mối đe dọa hiện hữu và việc quân sự hóa các đảo này là rất đáng quan ngại,” ông nói. “Họ đe dọa đến tất cả các nước hoạt động trong vùng lân cận và tất cả vùng biển và không phận quốc tế.”

Trung Quốc đã tìm cách củng cố những tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ đối với vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông thông qua việc xây dựng các căn cứ trên đảo nằm trên các rạn san hô cách đây gần một thế kỷ.

Mỹ đã đáp trả bằng cách đưa các máy bay chiến đấu bay qua khu vực mà Washington tuyên bố là sự tự do đối với các sứ mệnh hoạt động. Mỹ cũng đã huy động các tàu thuộc lực lượng hải quân và máy bay chiến đấu trong những thập kỷ qua để tuần tra và thúc đẩy tự do hàng hải tại các vùng biển và không phận quốc tế.

Trung Quốc thường xuyên phản đối bất kỳ hành động nào từ quân đội Mỹ trong khu vực. Các quốc gia khác gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp, nơi chiếm khoảng 5.000 tỷ USD giá trị hàng hóa lưu thông mỗi năm.

Đô đốc John C. Aquilino cho rằng dù Trung Quốc tiếp tục bành trướng thế nhưng xung đột lãnh hải âm ỉ này chỉ nên giải quyết thông qua con đường hòa bình. Ông nêu lại chiến thắng của chính phủ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” bắt đầu vào năm 2013.

Tây Philippines là tên mà Philippines đặt cho vùng biển tranh chấp, Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, trong khi tên gọi quốc tế tiếng Anh là South China Sea (Biển Nam Trung Hoa).

Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết rằng “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Quốc đòi hỏi “quyền lịch sử” trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Mục tiêu chính của Washington trong vùng tranh chấp này là “ngăn chặn chiến tranh” thông qua sự răn đe và thúc đẩy hòa bình và ổn định, bao gồm sự tham gia của các đồng minh và đối tác của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết.

“Trong trường hợp sự răn đe thất bại thì sứ mệnh thứ hai của tôi là sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng,” ông nói với AP.(BBC)

Share.

Leave a Reply