Saturday, May 18 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65
*****

 
Đợi Chờ
– Đinh Phụng Tiến –
 

Cô Diệu, người hàng xóm của tôi, trong một thời gian ngắn gần đây bỗng dưng có nhiều thay đổi. Thỉnh thoảng bất chợt thấy tôi ở ngoài sân, qua hàng rào thưa, cô trao cho tôi một nụ cười thân thiện, điều mà trước đó không bao giờ có. Từ mối tình cảm thân hữu xóm giềng ấy, tôi chú ý đến cô nhiều hơn. Và chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi có thể trao đổi với nhau vài ba câu chuyện thường nhật qua bức rào chắn ngang giữa nhà tôi và nhà cô.

Cô Diệu là người hàng xóm của tôi đã từ nhiều năm. Tôi quen sống một cuộc đời lặng lẽ, nên sự giao tiếp giữa hai gia đình kế cận chưa hề có điều gì làm phiền hà nhau nhưng cũng không có điều gì để thân thiết với nhau nhiều. Vài năm gần đây, cô Diệu xin được một chân thợ may trong xưởng may Légamex, nghe đâu lương tháng trên trăm ngàn đồng. Với đồng lương ấy, nếu tách riêng ra thì thật sự là chưa đủ nuôi thân cô nhưng dù sao để góp thêm với gia đình, cũng làm cho đời sống trong nhà dễ thở hơn chút ít. Thời gian gần đây, Diệu và gia đình cô có thay đổi nhiều. Chiếc áo sơ mi trắng ngả màu cùng chiếc quần đen dần dần được thay thế bằng những bộ đồ đang thịnh trong thành phố. Đó là những bộ quần áo “không giống ai” nhưng rất được giới trẻ ưa thích vì đâu như nó đã được một số Việt kiều về thăm quê hương mang về. Chẳng ai biết những bộ quần áo ấy thuộc kiểu gì, nhưng như một thói quen, người ta gọi là “mô đen Việt kiều”. Và ngay cả những tiệm may lớn, nhỏ cũng chấp nhận cái tên thời trang ấy một cách tự nhiên. Hồi đầu năm, căn nhà Diệu ở được sửa sang lại mặt tiền và quét vôi mới. Dịp ấy, ba Diệu sang khẩn khoản mời tôi qua để ăn mừng tân gia, đúng ra là ăn mừng căn nhà mới sửa. Từ đó, giữa gia đình tôi và gia đình Diệu trở nên gần gũi hơn.

Theo lời má của Diệu, thì có thể cuối năm, gia đình sẽ cử hành lễ cưới cho Diệu, và sau đó Diệu sẽ theo chồng đi Mỹ. Tôi hiểu đó là lý do đã có những thay đổi rất nhanh trong gia đình cũng như trong đời sống của Diệu.

Sáng sớm, Diệu đi làm trên chiếc xe Cub đời 81 thay cho chiếc xe đạp cũ kỹ trước đó, và có nhiều hôm về nhà rất khuya. Cũng có khi Diệu làm ca đêm, sáng mới trở về. Theo lời má Diệu thì hãng tổ chức làm theo ca. Mọi người đều được bố trí thay đổi ca và thay đổi công việc cho công bằng. Công việc ấy kể là vất vả cực nhọc mà đồng lương thì chẳng đủ sống cho một người riêng rẽ, nhưng để có thể lọt được vào trong xưởng may ấy không phải là dễ.

Ông Bảy Tín, cha ruột của Diệu, một cán bộ tập kết 54 vừa bị sa thải ra khỏi ngành vì đã có những hành vi có dấu hiệu của sự phá hoại. Kể từ khi Bảy Tín thôi việc, ông ta có vẻ thân mật với tôi hơn. Má Diệu, bà Bảy Tín, từ hồi thôi công tác trong hội phụ nữ, bà trở thành chủ nhiều dây hụi lớn nhỏ trong xóm. Gia đình ấy gồm toàn những người khôn ngoan. Những người đã có kinh nghiệm cạnh tranh để tồn tại từ những năm tháng mà Bảy Tín tập kết ra miền Bắc. Bà Bảy Tín cho tôi biết, bà sẽ đầu tư cho con là cô Diệu để Diệu có cơ hội theo chân những người đi trước mà đến một vùng trời mơ ước ở bên kia bờ đại dương. Điều ấy cắt nghĩa cho tôi hiểu vì sao mà thời gian gần đây, Diệu đã có những bộ đồ “mô đen việt kiều” và xe Cub 81.

Câu chuyện có hơi dài dòng. Chẳng là hồi đầu năm, một trong những thành viên trong dây hụi, báo tin có người cháu sắp trở về từ Mỹ với ý định kiếm một người vợ. Bà Bảy Tín chụp ngay cơ hội ấy. Thế là chẳng bao lâu, hai người qua lại thế nào mà trở nên thân thiết như tình ruột thịt. Rồi họ thư từ. Rồi họ gởi hình, gởi ảnh qua lại… và Diệu đợi chờ trong hy vọng cùng mộng mơ. Bà bảy Tín, người hàng xóm của tôi đã đầu tư vào chuyện ấy rất tích cực.

Ông Bảy Tín tâm sự với tôi, rằng ông đã đi theo “cách mạng” ngay từ buổi “bình minh của phong trào”. Dường như cái ngày đi đưa đám tang trò Trần Văn Ơn đã là một cơ hội để sau này ông tìm đến với “cách mạng” thì phải. Dạo ấy, Bảy Tín là một đứa trẻ thất học trong một gia đình đông con và rất nghèo. Bảy Tín còn nhớ rõ những ngày tháng không có cơm ăn, lê lết quanh chợ Cầu Ông Lãnh ấy. Khi trò Ơn tham gia biểu tình bị cảnh sát nổ súng làm thương vong thì bầu không khí sôi sục của Saigon lúc ấy lên rất dữ. Đám tang trò Ơn được tổ chức trọng thể. Người đi dự cũng có, mà người hiếu kỳ đi coi cũng nhiều. Bảy Tín là một trong số những đứa trẻ rảnh giờ đi trong đám đông ấy. Rồi trong lúc đám tang diễn ra trên đường phố, không biết có kẻ nào đã dúi vào tay Bảy Tín một tấm biểu ngữ, cùng một lúc có những tiếng hô đả đảo thực dân. Bảy Tín thấy nức lòng. Bảy Tín hô theo và dương cao biểu ngữ. Thực tình, Bảy Tín không biết trên tấm biểu ngữ ấy đã viết chữ gì. Nhưng trong cơn say và bầu không khí cuồng nhiệt bởi đám đông dẫn dắt, Bảy Tín đã say sưa trong một trò chơi mà trong đời, Bảy Tín chưa hề bao giờ được dự. Sau đó, Bảy Tín bị cảnh sát bắt giữ nhưng vì là trẻ con nên Bảy Tín được thả ra ngay sau đó.

Cuộc đời Bảy Tín bắt đầu bước vào một khúc quanh. Vì sau đó, người của “tổ chức” đã gặp Bảy Tín thường xuyên. Bảy Tín được tuyên dương về hành động can đảm là đã giương cao biểu ngữ chống thực dân Pháp ngay giữa thành phố. Bảy Tín được thâu nhận vô tổ chức từ đó. Năm ấy Bảy Tín mới mười hai tuổi. Bảy Tín trở thành một liên lạc viên khá thành công vì không ai nghi ngờ, theo dõi. Trong khi làm nhiệm vụ, Bảy Tín được tổ chức giáo dục khiến Bảy Tín nhìn thấy những điều mà, trước đó Bảy Tín không hề biết. Nhờ có tổ chức giáo dục, Bảy Tín mới hiểu được rằng:

– Bảy Tín thất học là do thực dân và phong kiến.
– Gia đình Bảy Tín đói nghèo là do thực dân và phong kiến.
– Cha của Bảy Tín rượu chè say sưa quanh năm là do thực dân và phong kiến.
– Mẹ của Bảy Tín cờ bạc sáng đêm là do thực dân và phong kiến.

Cho nên phải chống. Chống thực dân và phong kiến. Vào lúc ấy, Bảy Tín chỉ có thể cụ thể hóa thực dân và phong kiến là những thằng Tây bụng bự, những đứa nhà giầu ăn những bữa ăn sang trọng trong các nhà hàng. Và Bảy Tín căm thù. Quyết đi theo tổ chức để có một ngày lôi cổ chúng nó xuống, và biết đâu, mình sẽ ngồi vào chỗ chúng nó đã ngồi. Bảy Tín được giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch sẽ thắng mọi thứ có trước nó và sau này không còn có chủ nghĩa nào nữa vì chủ nghĩa Mác-Lênin đã toàn thắng rồi. Nhân loại sẽ hết âu lo. Nghèo đói, thất học, bất công sẽ bị xóa sạch…

Bảy Tín tập kết ra miền Bắc năm 54. Sau đó, đảng đã bố trí để Bảy Tín gặp một người con gái do đảng chỉ định và họ trở thành vợ chồng. Năm 6O, Bảy Tín được đưa trở lại miền Nam và trở thành cán bộ của “mặt trận”. Thời gian công tác rất lâu ở miền Nam, Bảy Tín được gọi trở ra Bắc để học tập, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin và cũng là dịp hiếm hoi để Bảy Tín được sống gần người vợ do đảng bố trí. Diệu sinh ra đời vào năm đó. Khi Diệu cất tiếng khóc chào đời thì Bảy Tín đã trở lại miền Nam vào giữa lúc chiến trường hết sức ác liệt.

Nay Diệu đã ngoài hai mươi tuổi. Diệu có được một nhan sắc đằm thắm, dễ coi. Ngày miền Nam “hoàn toàn giải phóng”, Bảy Tín được điều vào trong tổ chức kiểm kê những ngôi nhà vắng chủ do Ủy Ban Quân Quản thành phố quản lý. Vài năm sau, Bảy Tín được điều sang công tác ở Cục Hậu Cần với nhiệm vụ quản lý một cái kho dụng cụ phế thải. Lúc ấy Bảy Tín mang quân hàm trung tá. Đó là một công việc thừa thãi mà đảng trao cho Bảy Tín mà mãi sau này Bảy Tín mới khám phá ra rằng, Bảy Tín đã bị chi bộ đánh giá sai khi cho rằng Bảy Tín là người của “mặt trận”. Bảy Tín hiểu lờ mờ rằng, vai trò của “mặt trận” đã chấm dứt vào ngày 30 tháng Tư. Và do đó mà những thành viên của nó cũng phải được chấm dứt theo.

Trong khi Bảy Tín bị hỏng giò oan ức thì mẹ con Diệu được nhà nước cho vào miền Nam đoàn tụ với Bảy Tín. Liền ngay sau đó, Diệu hăng hái tham gia phong trào triệt hạ văn hóa đồi trụy, tiếp theo là những chiến dịch đánh bọn tư sản đến tận gốc rễ. Những ngày ấy rất sôi nổi và hào hứng. Cách mạng sẽ quét sạch tàn dư văn hóa tư sản trong vòng sáu tháng. Những cuốn sách trong thư viện, trong tư gia được giao nộp cho ủy ban, đem tới những tụ điểm thanh niên đốt cho cháy rụi. Những căn nhà của bọn tư sản đã bị các đội thanh thiếu niên chiếm giữ. Nó đã bị lục soát triệt để. Từ những viên gạch lát nền cầu tiêu được nậy lên, có thể người ta tìm thấy vàng bạc chôn dấu. Những đoàn người được lùa đi vùng kinh tế mới. Cách mạng sẽ xóa sạch bọn tư sản bóc lột trong vòng sáu tháng.

Diệu đã sống trong bầu không khí hào hứng ấy ở tuổi thanh niên. Nhưng có một điều mà dần dà Diệu khám phá ra, là ngôi nhà của một tay tư sản ở đường 20 mà toán của Diệu đã đến chiếm đóng trong thời kỳ sôi nổi ấy lại chính là căn nhà của gia đình người con trai hiện đang ở Mỹ, sẽ trở về gặp Diệu nay mai. Diệu rắp tâm sẽ giữ kín điều này. Bởi vì Diệu còn nhớ những tiếng khóc than, những thân hình tiều tụy của từng người trong căn hộ ấy khi họ lìa bỏ ngôi nhà của mình để đi tới vùng kinh tế mới xa xôi. Có lẽ trong dịp ấy, họ đã vượt biển, Diệu nghĩ thế. Diệu sẽ giữ kín điều ấy. Bởi vì đây là một sự đầu tư quan trọng, theo như lời má Diệu vẫn phát biểu. Và cũng bởi vì ba Diệu, ông Bảy Tín đã từng có một lần đầu tư nhầm lẫn.

Tuần trước, trong xóm có một Việt kiều mới trở về. Trông họ lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ, phong thái hòa nhã làm cho ai cũng mến. Thôi thì gia đình đốt pháo chào mừng, tiệc tùng vui vẻ. Diệu có nghe kể lại về cuộc sống ở phương xa. Cuộc sống ở một nơi mà máy móc đã thay thế mọi công việc nặng nhọc của con người. Ở nơi đó, người phụ nữ được xếp lên hàng đầu trong khi đàn ông đứng sau chót, sau cả cây cỏ và mèo. Chỉ nội điều ấy không thôi, đã đủ quyến rũ tất cả mọi người đàn bà trên thế giới. Cho nên Diệu ao ước ra đi. Ngày miền Nam vừa “hoàn toàn giải phóng”, cán bộ trung ương về nói chuyện và dự kiến sẽ không còn bao lâu nữa, cách mạng sẽ giải phóng nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Bởi vì đó là xu thế của thời đại. Diệu thầm mong điều ấy đừng xảy ra, tội nghiệp cho dân chúng Mỹ lắm.

Sự có mặt của bà Việt kiều trở về trong tuần trước, nơi căn nhà đối diện với nhà Diệu, có lẽ sẽ mãi mãi gây trong tâm hồn Diệu một ấn tượng đẹp đẽ. Bà Việt kiều ấy, theo chỗ Diệu biết, đã ra đi vào giữa năm mà chiến dịch đánh bọn tư sản vào giai đoạn cao nhất. Lúc ấy Diệu đang trụ ở căn nhà của một tư sản ở đường 20. Người đàn bà ấy, trước đây bán cháo huyết trong xóm, và nếu không trông nhờ vào lòng tốt bụng của một người bà con xa cho ở nhờ dưới mái hiên trống, thì bà ta đã phải lang thang như một kẻ không nhà. Khi người chủ nhà ấy đi… kinh tế mới thì người đàn bà này cũng bị lùa đi theo luôn. Cách mạng sẽ sử dụng bạo lực triệt để đối với bọn tư sản bóc lột, nhưng với bọn buôn thúng bán bưng, cũng là một tầng lớp trung gian phi sản xuất, cách mạng sẽ cải tạo họ bằng những biện pháp hòa bình. Lênin dạy thế. Và người đàn bà ấy đã được đưa đi một nơi có đất, có bùn để trực tiếp sản xuất ra của cải cho xã hội. Rồi không hiểu bằng cách nào mà bà ta đã ra đi, chỉ sau gần một năm ở đảo, vào đất Mỹ. Ít lâu sau, lá thư và những tấm hình đầu tiên gởi về trong xóm, đã gây những chấn động như ngày xưa ông Kha Luân Bố đã tìm thấy miền đất mới ấy.

Và bây giờ thì những kẻ thù của cách mạng, những đứa con khó dạy của chế độ ra đi đang trở về. Rút cục thì những lời tiên đoán của Lênin về sự dãy chết của chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, đã chết trước.

Bảy Tín, người đã đi theo cách mạng trong buổi “bình minh của phong trào” đã bị đánh giá oan uổng là người của “mặt trận” và bị loại ra khỏi tổ chức bằng những lý do lãng nhách. Khi Bảy Tín thất sủng, được điều về quản lý một chiếc kho chứa đồ cũ của cục hậu cần thì căn nhà mà Bảy Tín tiếp thu của một gia đình bỏ đi trước đây đã qúa cũ. Với tư cách là một thủ trưởng, Bảy Tín lấy trong kho một ít bù loong và ít thước lưới sắt B.40 để sửa chiếc cửa sắt, làm chuồng gà cải thiện và ngăn lại hàng dậu cho kín đáo hơn. Chuyện ấy đã đến tai cục trưởng. Và một lần thứ trưởng trong dịp công tác từ Hà Nội vào miền Nam đã làm việc với Bảy Tín suốt hai giờ đồng hồ.

Bảy Tín được yêu cầu phải làm một bản tự kiểm về những hành vi sai trái ấy. Bảy Tín khôn ngoan đã nâng quan điểm của mình trong bản tự kiểm, với hy vọng sẽ được bỏ qua. Bảy Tín thành khẩn nhận rằng, việc lấy những món đồ ấy là một hành vi tham ô, biến công vi tư. Rằng, những thước lưới sắt B.40 và những chiếc bù loong trong kho là do đế quốc Mỹ để lại. Rằng, việc sử dụng những vật liệu ấy, đã bộc lộ một tâm lý phục Mỹ, thích Mỹ, hoàn toàn trái với phẩm chất một người cách mạng. Bản tự kiểm của Bảy Tín thành khẩn và được nâng quan điểm cao đến nỗi xuýt nữa Bảy Tín nhận là mình đã phản bội cách mạng. Phản bội cách mạng là phản bội tổ quốc. Khi nộp bản tự kiểm, Bảy Tín đinh ninh đồng chí thứ trưởng sẽ thông cảm mà bỏ qua. Nhưng bất ngờ, đồng chí cục trưởng gọi Bảy Tín lên. Sau khi ca ngợi về những công lao mà Bảy Tín đã đi theo cách mạng từ buổi “bình minh của phong trào”, tổ chức đã quyết nghị khoan hồng cho Bảy Tín được lựa chọn một con đường danh dự là tự ý làm đơn xin nghỉ hưu non.

Không bao lâu sau đó, Bảy Tín hiểu rằng mấy cái bù loong cũ và những thước lưới sắt B.40 kia chỉ là một cái cớ để tổ chức gạt mình ra ngoài vì… là người của “mặt trận”. Bảy Tín rất cay cú, vì đồng chí cục trưởng đang có những mối quan hệ rất bê bối với người nữ thư ký riêng mà có sao đâu. Đồng chí cục trưởng cũng đã đưa người vào làm việc trong ngành công an hải quan để nhận một số tiền thù lao là hai cây vàng, trị giá bằng cả triệu cái bù loong của Bảy Tín, cũng có sao đâu. Cục trưởng công khai giải thích đó là món quà tặng trong mức tình cảm thôi. Cục trưởng cũng đã lấy tôn, lấy xi măng và đủ thứ trong kho về xây nhà riêng cho mình và cho thư ký, có sao đâu. Cục trưởng công khai giải thích rằng, việc đãi ngộ một người cách mạng như thế vẫn chưa xứng đáng.

Từ khi bị nghỉ hưu non, ông Bảy Tín bị thiệt thòi nhiều. Ông không còn phù hiệu quân hàm trung tá trên cổ áo nữa. Lời phát biểu của ông trong khu xóm, trong tổ dân phố không còn trọng lượng. Từ đó, ông Bảy Tín luôn luôn đội chiếc nón cối trên đầu như một dấu tích của một thời đã phục vụ cách mạng ngay từ buổi “bình minh của phong trào”. Bảy Tín không còn cách nào khác hơn là lại đầu tư vào vài ba con heo nuôi sau nhà bếp để cải thiện nền kinh tế gia đình. Bà Bảy Tín trở thành nhà cái của vài dây hụi lớn nhỏ trong xóm. cuộc sống của họ hết sức khó khăn, cho đến khi Diệu kiếm được một chân thợ may trong xưởng Légamex thì gia đình mới dễ thở hơn chút ít. Mỗi buổi chiều, ông Bảy Tín vẫn ngồi trên chiếc xe đạp, với áo sơ mi bỏ ngoài quần, chân dép râu, đầu nón cối đi thu những cọng rau thối ngoài chợ Cầu Ông Lãnh để nuôi vài con heo. Công việc ấy, gợi cho Bảy Tín về những ngày thơ ấu và cuộc đời ông, người cùng thời với trò Trần Văn Ơn. Một người bỗng nhiên trở thành hạt nổ của phong trào, và một người bỗng nhiên là thuốc bồi đẩy phong trào cách mạng đi lên. Nhưng một người đã vĩnh viễn nằm xuống, và một người đã đi hết một vòng tròn khép kín, trở về nơi khởi điểm trong thời kỳ mở cửa. Khi người ta mở cửa thì những tổ hợp sản xuất, những hợp tác xã bậc nhỏ, bậc vừa, bậc cao… thoắt tan rã. Bảy Tín cho rằng cách mạng đã dẫn dắt Bảy Tín và những người cùng thời đi trên một vòng tròn quanh quẩn, hóa cho nên lịch sử chẳng có quy luật gì ráo trọi. Nó đang lập lại những cái cũ vụng về hơn dưới sự lãnh đạo tài tình của “Đảng Quang Vinh.”

Thời thơ ấu, Bảy Tín đã từng lê lết quanh khu chợ Cầu Ông Lãnh để bòn mót những trái dưa ủng, những con cá ươn. Nay, dưa ủng, cá ươn không còn. Bảy Tín chỉ còn những cọng rau đã rữa. Những người đồng thời của Bảy Tín nhìn ông với đôi mắt khinh khi, thù hận.

Căn nhà của ông Bảy Tín đã sửa xong. Vài bộ quần áo “mô đen Việt kiều” và chiếc xe Cub đời 81 của Diệu đang chờ đón người thanh niên ở phương xa trở về. Những thứ đó đã làm cho gia đình ông thêm nợ nần chồng chất. Bà Bảy Tín đã đầu tư vào việc ấy một cách kiên trì và đảm đang. Bà Bảy Tín chờ mong gia đình người thanh niên ấy đến chơi, như một lời giao kết chính thức. Ông Bảy Tín chờ mong một cuộc đời sáng sủa hơn.

Đàn anh của ông, những người kháng chiến Nam bộ cũ, đang lên tiếng mong mỏi cho một kiểu cách tự do để tư bản nước ngoài đổ vào. Và Diệu đợi chờ trên đôi cánh vỗ của bầy chim trở lại trong mùa xuân. Diệu sẽ ra đi đến một miền nắng ấm.

Nhưng cho đến cuối năm, người thanh niên ấy vẫn không thấy trở về. Nghe nói anh ta đã có gia đình. Một người con gái nào đó mới qua Mỹ. Họ gặp nhau và mau chóng đi đến hôn nhân. Giấc mơ của Diệu bị xé nát. Bà Bảy Tín, một người đàn bà đảm đang trong thời chiến cũng như trong hòa bình, đã thêm một lần đầu tư nhầm lẫn. Dây hụi lớn nhất mà bà cầm cái vừa bị con hụi tháo giựt bỏ chạy. Những con heo cải thiện trong nhà ông Bảy Tín ngã bệnh. Ông cũng ngã bệnh theo luôn. Bác sĩ cho Bảy Tín một toa thuốc khi đi mua phải tốn hết sáu chục ngàn đồng. Ông Bảy Tín đứng trước một chọn lựa gay gắt: Số tiền ấy hoặc là dùng để chữa bệnh cho ông, hoặc là để mua thuốc cứu đàn heo trong nhà. Cuối cùng, ông đã tìm ra một giải pháp là phải cứu đàn heo trước đã. Đó một là yêu cầu bức thiết, ông Bảy Tín nói vậy.

Từ đây, bà Bảy Tín sống trong một niềm đợi chờ mới. Niềm đợi chờ đàn heo khỏe lại. Rồi bà lại gầy dựng để có thể trả những món nợ cũ. Ông Bảy Tín, cùng với những bậc đàn anh, những người kháng chiến Nam bộ xưa đợi chờ một ngày mà tư bản ngoại quốc chịu đổ vào. Đợi chờ một ngày mà những kẻ thù xưa trở lại, làm chủ trên những chiến trường cũ. Ông Bảy Tín kỳ vọng vào chuyến đi mới đây của đồng chí bộ trưởng ngoại giao…

Và Diệu vẫn đợi chờ.

dinhphungtien

 
 

 

Share.

Leave a Reply